top of page
Search
  • Writer's pictureBùi Xuân Việt

Hướng dẫn chụp dải ngân hà - Milkyway

Milkyway luôn là một trong những thể loại nhiếp ảnh đầy quyến rũ và hấp dẫn với bất cứ ai. Cái cảm giác nhìn lên một bầu trời toàn sao với một dải trắng nhờ vắt ngang qua trước mặt luôn là một trong những điều làm mình thích nhất. Tuy nhiên để chụp được Milkyway lại không hề dễ dàng, mình đã từng mất 12 tháng để tự mò và chụp đươc tấm hình Milkyway đầu tiên. Và trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với mọi người làm thế nào để chụp được một bức hình Milkyway.


1. Xác định thời điểm và địa điểm chụp Milkyway

- Cái khó nhằn đầu tiên khi bạn đến với thể loại ảnh này đó chính là điều kiện thời tiết. Dải ngân hà của chúng ta thì lúc nào cũng nằm trên bầu trời cả thôi tuy nhiên không phải lúc nào cũng chụp được. Ở Việt Nam thì bạn sẽ chụp được MW từ khoảng tháng 2 cho đến tháng 11 dương lịch.

- Vào những ngày trời trong không có trăng hay trăng lặn vào lúc MW mọc ( hoặc tốt nhất là trăng non và nằm ngược hướng MW lúc này tiền cảnh của chúng ta sẽ được ánh trăng chiếu sáng rất đẹp ) sẽ là thời điểm tốt để đi chụp MW.

- Bạn có thể dùng nhiều app khác nhau như Stellarium (PC, Phone ); Starwalk 2 (Phone ) để xác định thời điểm MW mọc và các thông số khác như thời gian trăng mọc....


Hướng dẫn xác định thời điểm chụp MW tại trang web https://stellarium-web.org/


- Sau khi biết được thời gian chụp MW ok chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm địa điểm chụp. Địa điểm thích hợp để chụp MW phải là ở nơi ít bị ô nhiễm ánh sáng và càng ít bị ô nhiễm sáng thì ảnh sẽ càng đẹp. Cái sai của nhiều bạn mới bắt đầu chụp MW là ngại di chuyển xa nên chưa có được darksite cần thiết và dĩ nhiên là chụp không được. Điều kiện lý tưởng để chụp MW là Bortle (thang đo ô nhiễm ánh sáng) từ Class 4 đổ xuống và càng thấp càng lý tưởng. Ảnh MW chụp từ khu vực Bortle 2 sẽ khác biệt hoàn toàn so với khu vực Bortle 4.

Hướng dẫn tìm địa điểm thích hợp chụp MW bằng website www.lightpollutionmap.info


- Ngoài thời gian và địa điểm chụp chúng ta cũng phải xem thời tiết ở khu vực đó thế nào có nhiều mây mù hay mưa gió không. Nếu nhiều mây cũng sẽ khó chụp. Còn nếu mưa bão thì ở nhà chờ thời tiếp thôi. App thì mình hay dùng Windy. Các bạn dùng app nào cũng được nhé.


2. Những thiết bị cần sử dụng khi chụp Milkyway:


- Máy ảnh: Cái này thì tùy bạn đang có máy gì dùng máy đó thôi. Những máy ảnh tốt sẽ giúp bạn khử noise tốt hơn khi chụp ở ISO cao tuy nhiên nó không phải là tất cả có rất nhiều kỹ thuật giúp bạn khử noise tốt hơn thế nên thay vì đầu tư vào máy ảnh trước thì hãy đầu tư vào kiến thức của mình trước.


- Ống kính: Các ống kính có khẩu độ mở lớn từ F1.8-F2.8 luôn được ưu tiên khi chụp MW Tuy nhiên có một số lưu ý khi chọn ống kính cho thể loại nhiếp ảnh này:

+ Coma: Đây là hiện tượng quang sai của ống kính làm cho các ngôi sao ở góc bị méo biến dạng thành hình cánh chim. Các lens bị hiện tượng này sẽ không thích hợp để chụp MW. Một số lens mình đã test bị: Sigma 24Art, Canon 24F1.4.


+ Tối góc: Một số lens mặc dù khẩu 2.8 nhưng bị tối góc khá nặng. Và những lens này cũng hoàn toàn không thích hợp cho một shot hình MW đẹp do phần tối góc sẽ rất nặng khi phơi sáng lâu vào ban đêm.

+ Viền tím: Chả ai muốn một tấm hình mà ngôi sao nào cũng tím ngắt cả. Mình từng bị với một con lens rất đắt tiền là Sony 24GM. Khi mở khẩu f1.4 thì sao sẽ có màu tím thủy chung. Hiện tượng này giảm nhẹ khi khép lại F2.8 tuy nhiên vẫn khá khó chịu.

+ Độ méo trường ảnh: Một số ống kính không có trường ảnh thẳng mà cong cong khá khó chịu điển hình như lens Samyang 14 f2.8. Nó sẽ dẫn đến việc một số ngôi sao của bạn ở phần rìa hoặc trung tâm sẽ bị out nét mặc dù bạn đã lấy nét đúng. Tuy nhiên đây là con lens rất rất rẻ có khẩu 2.8 để chụp MW cho bạn nào muốn trải nghiệm.

+ Một số lens tốt để chụp MW mình đã sử dụng qua: Sigma 14 f1.8A; Sigma 14-24 f2.8; Sony CZ 55 f1.8; Sony 12-24GM; Tamron 17-28 F2.8; Tamron 28-200 F2.8-F5.6; Tamron 28-75 F2.8.

- Chân máy: Một tripod tốt luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy nhất cho bạn. Lời khuyên của mình ở đây là đừng tiếc tiền mua một cái tripod tốt và chính hãng. Bạn có thể đổi rất nhiều máy ảnh và ống kính nhưng phụ kiện của bạn luôn không thay đổi. Các hãng tripod cũng thường có chính sách bảo hành rất lâu thế nên tốt nhất là mua chính hãng để được hỗ trợ sửa chữa lâu dài.

- Remote: Do phơi sáng lâu nên bạn phải có remote để hạn chế tối đa tình trạng rung nhòe ảnh.

- Mấy thứ lặt vặt nhưng hữu dụng như dây quấn sưởi len, khăn để lau len ..... do chụp buổi tối nhiều khi bị đọng sương trên ống kính.


3. Kỹ thuật chụp Milkyway


- Lấy nét: Đây là một bước rất quan trọng khi bạn chụp MW. Rất nhiều bài hướng dẫn sơ sài về việc này hay thậm chí viết sai luôn như vặn vòng lấy nét về vô cực .... Cách lấy nét đúng nhất sẽ là bạn dùng Manual Focus sau đó zoom hết cỡ Liveview và lấy nét vào một ngôi sao sáng ở vùng trung tâm hiện lên trên Liveview của mình, xoay vòng lấy nét thật nhẹ từng mm sao cho ngôi sao đó nhỏ nhất có thể. Lưu ý việc lấy nét quyết định rất nhiều trong một bức hình thế nên hãy lấy nét thật kỹ.

- Tắt hết tất cả các chế độ như Noise Reduce, HDR, chống rung .... chụp RAW không nén. Color Space: AdobeRGB

- White Balance: Set cố định từ 4000K-5000K. Việc cố định WB trong suốt buổi chụp sẽ giúp bạn đồng bộ về màu sắc của tất cả frame hình và tiện cho việc hậu kỳ.

- Tốc độ: Tốc độ chụp MW sẽ phụ thuộc vào tiêu cự của lens. Có công thức là 500/tiêu cự. Tuy nhiên theo trải nghiệm thực tế của mình bạn nên áp dụng 400/tiêu cự để đảm bảo là ngôi sao có hình tròn. Ví dụng tiêu cự bạn là 14mm thì bạn chụp tốc độ là 400/14= 28s ( chụp 25s cho chắc nhé, noise còn khử được chứ ngôi sao nó méo thì xấu lắm)

- Khẩu độ: Mở khẩu lớn nhất có thể. Tuy nhiên phải lưu ý là có một số lens sẽ bị soft hay viền tím ở khẩu lớn nhất. Lúc đó bạn phải test thử và khép khẩu lại một ít để tránh bị quang sai. Có vài lens có khẩu F1.4 tuy nhiên mình không khuyến khích mở hết cỡ vầy vì DOF rất mỏng dễ lấy nét sai.

- ISO: Với ảnh MW thì tốc độ và khẩu độ phụ thuộc rất nhiều vào ống kính. Thế nên ISO sẽ là thông số chính quyết định ảnh có đủ sáng hay không. Bạn nên setup thông số ISO sao cho đừng leo cạnh tối ( trừ khi trong hình tiền cảnh có một số phần bạn muốn để màu đen )


Đây là tấm hình mình chụp bởi ống kính Sigma 14F1.8. Vùng MW là vùng sáng có Histogram khá ổn. Phần leo tối là phần rừng thông ở phía xa. Mình có thể để nguyên vậy hoặc kéo sáng phần đó lên.

Lưu ý nhỏ là bạn đừng ngại đẩy ISO lên cao từ 3200 đến 6400 nếu như lens bạn là F2.8 hoặc F4. Noise về bản chất sẽ tập trung ở vùng tối nhiều nên ảnh càng nhiều vùng tối thì càng nhiều noise chứ chưa hẳn ISO cao hơn sẽ noise. Các máy ảnh mới hiện nay đa phần đều làm rất tốt ngay cả ở ISO6400 nên đừng quá lo lắng. Mình sẽ có một bài phân tích riêng kỹ hơn để các bạn tham khảo thông số ISO thích hợp với máy ảnh của mình.


- Và cuối cùng khi chụp MW hãy chụp nhiều frame. Cùng một khung hình bạn hãy chụp ít nhất từ 10-20 frame để có thể Stack lại nhằm tăng chi tiết và khử Noise khi hậu kỳ. Việc này rất quan trọng để có một tấm hình MW đẹp nhé.

- Ngoài ra khi đam mê và chơi chuyên sâu cho thể loại này bạn có thể đầu tư thêm Tracker (thiết bị dùng để triệt tiêu chuyển động xoay của trái đất bạn có thể phơi lâu hơn đồng thời giảm ISO xuống). Lúc này bạn sẽ phải chụp bầu trời riêng và mặt đất riêng do Tracker sẽ bám theo chuyển động của ngôi sao, làm cho mặt đất bị nhòe. Tuy nhiên bạn sẽ có chất lượng ảnh đáng kinh ngạc với thiết bị này.

4. Hậu kỳ:

- Về phần hậu kỳ ảnh chụp MW. Các bạn có thể tham khảo tại clip này của mình nhé.


Một số hình ảnh Milyway do mình thực hiện





2,455 views0 comments
bottom of page